25-04-22 MT & Partners
Công ty cổ phần là một trong những loại hình công ty theo phương thức góp vốn của nhiều nhà đầu tư với mục đích tìm kiếm lợi nhuận trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ. Loại hình công ty này đang ngày càng được các chủ đầu tư lựa chọn để thiết lập khi có nhu cầu góp vốn thành lập doanh nghiệp. Vậy loại hình công ty này có đặc điểm gì?
Điều 111 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định như sau:
“Điều 111. Công ty cổ phần
1. Công ty cổ phần là doanh nghiệp, trong đó:
a) Vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần;
b) Cổ đông có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng cổ đông tối thiểu là 03 và không hạn chế số lượng tối đa;
c) Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp;
d) Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 120 và khoản 1 Điều 127 của Luật này.
2. Công ty cổ phần có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
3. Công ty cổ phần có quyền phát hành cổ phần, trái phiếu và các loại chứng khoán khác của công ty.”
1. ĐẶC ĐIỂM CỦA CÔNG TY CỔ PHẦN
Thứ nhất, về tính chất khi thành lập, công ty cổ phần là loại công ty đối vốn. Điều đó có nghĩa là khi thành lập công ty chủ yếu quan tâm đến vốn góp, còn việc ai góp vốn không quan trọng. Vì vậy công ty cổ phần có cấu trúc vốn mở.
Thứ hai, vốn điều lệ của công ty cổ phần được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần. Giá trị mỗi cổ phần gọi là mệnh giá cổ phần và được phản ánh trong cổ phiếu. Một cổ phiếu có thể phản ánh mệnh giá của một hoặc nhiều cổ phần, mỗi cổ đông có thể mua nhiều cổ phần. Pháp luật hoặc Điều lệ công ty có thể giới hạn tối đa số cổ phần mà một cổ đông có thể mua nhằm chống lại một việc một cổ đông nào đó có thể nắm quyền kiểm soát công ty do có nhiều vốn góp. Luật Doanh nghiệp không quy định vốn điều lệ của công ty phải chia thành bao nhiêu phần, mỗi phần có giá trị bao nhiêu. Tuy nhiên, Luật Chứng khoán năm 2019 quy định mệnh giá cổ phiếu chào bán lần đầu ra công chúng là mười nghìn đồng Việt Nam (Khoản 2 Điều 13 Luật Chứng khoán năm 2019). Như vậy, công ty cổ phần nào muốn chào bán cổ phiếu ra công chúng thì trước đó phải thực hiện việc quy mệnh giá cổ phần về mười nghìn đồng Việt Nam. Điều đó dẫn đến hệ quả là trên thực tế các công ty cổ phần đều xác định mệnh giá cổ phần là mười nghìn đồng Việt Nam để đảm bảo tính thanh khoản. Từ đặc điểm này, có thể khẳng định việc chia vốn của công ty thành các cổ phần là vấn đề căn bản nhất của hình thức công ty này.
Thứ ba, pháp luật chỉ quy định số thành viên tối thiểu mà không giới hạn số thành viên tối đa. Luật Doanh nghiệp năm 2020 hiện nay đang quy định số thành viên tối thiểu trong công ty cổ phần là 3, cổ đông có thể là cá nhân, tổ chức.
Thứ tư, tính tự do chuyển nhượng phần vốn góp cũng là đặc điểm chỉ có ở công ty cổ phần. Cổ phần được thể hiện bằng hình thức cổ phiếu. Cổ phiếu do công ty cổ phần phát hành là một loại hàng hóa. Người có cổ phiếu được tự do chuyển nhượng theo quy định của pháp luật. Việc chuyển nhượng được thực hiện theo cách thông thường hoặc thông qua giao dịch trên thị trường chứng khoán.
Thứ năm, về tính chịu trách nhiệm trong kinh doanh. Công ty cổ phần chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với các khoản nợ của công ty. Các cổ đông chỉ chịu trách nhiệm hữu hạn về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty.
Thứ sáu, về huy động vốn, trong quá trình hoạt động công ty cổ phần có quyền phát hành cổ phần các loại, có quyền phát hành trái phiếu, trái phiếu chuyển đổi và các loại trái phiếu khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty.
Thứ bảy, công ty cổ phần có tư cách pháp nhân và vì vậy công ty cũng có tư cách thương nhân. Các cổ đông hay những người quản trị công ty đều không có tư cách thương nhân. Những người có quyền giao dịch với bên ngoài là những người đại diện cho công ty. Công ty cổ phần có cơ cấu tổ chức rất chặt chẽ do những đặc điểm như đã trình bày đồi hỏi phải có cơ cấu quản trị chuyên nghiệp tách bạch với sở hữu.
2. ƯU ĐIỂM VÀ HẠN CHẾ CỦA CÔNG TY CỔ PHẦN
2.1. Ưu điểm của công ty cổ phần
– Chế độ chịu trách nhiệm hữu hạn nên mức độ chịu rủi ro của các cổ đông thấp.
– Khả năng huy động vốn rất cao và linh hoạt thông qua việc chào bán các loại cổ phần, phát hành cổ phiếu ra công chúng. Đây là ưu thế mà không loại hình công ty nào có được.
– Khả năng hoạt động của công ty cổ phần rất rộng, hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề;
Thủ tục chuyển nhượng cổ phần đơn giản, cộng thêm không giới hạn số lượng cổ đông là yếu tố thu hút nhiều cá nhân hoặc tổ chức dễ dàng tham gia góp vốn vào công ty cổ phần.
– Được quyền niêm yết, giao dịch cổ phần trên sàn giao dịch chứng khoán.
2.2. Nhược điểm của công ty cổ phần
– Cơ cấu tổ chức công ty phức tạp, nên việc quản lý và điều hành công ty cổ phần cũng khó khăn hơn do số lượng cổ đông rất lớn, nhiều cổ đông có thể không quen biết nhau và có thể có sự phân hóa thành các nhóm cổ đông trong công ty đối kháng nhau về lợi ích.
– Đối với công ty cổ phần sẽ khó khăn hơn khi đưa ra một quyết định nào đó dù là về quản lý doanh nghiệp hay kinh doanh do phải thông qua Hội Đồng quản trị, Đại hội đồng cổ đông… Vậy nên rất dễ bỏ qua những cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp.
– Khả năng bảo mật trong kinh doanh và tài chính bị hạn chế do công ty phải công khai và báo cáo với các cổ đông ở các cuộc họp thường niên.
MT & Partners rất mong bài viết sẽ mang lại kiến thức hữu ích cho quý bạn đọc.
293